Những chiếc ba lô gắn vài tấm pin năng lượng mặt trời đơn giản đã đem đến thứ ánh sáng quý giá cho các em nhỏ ở những vùng nông thôn nghèo khó của Bờ Biển Nhà.
Ngày đựng sách, tối cung cấp ánh sáng
Trở về nhà vào buổi tối, cô bé Marie-France Amoandji Ngbessoo 8 tuổi làm bài tập bề nhà bằng thứ ánh sáng đèn LED phát ra từ chiếc ba lô mà ban ngày em đeo trên lưng để tới trường.
Chiếc ba lô Solarpak này khác hẳn với những chiếc cặp mà em và các bạn vẫn dùng trước trước đây. Nó cũng khác với phần lớn những chiếc cặp học sinh khác trên thế giới mà người ta vẫn hình dung.
Trong chiếc cặp này, nhà sản xuất đã gắn vào vài tấm pin năng lượng mặt trời. Ban ngày, khi Marie-France đi bộ khoảng 1 tiếng đồng hồ từ nhà đến trường, ánh nắng mặt trời luôn rực rỡ của quốc gia nằm ở vùng xích đạo sẽ được tích trữ vào những tấm pin bên trong balo. Nhờ vậy, buổi tối khi trở về nhà, Marie-France có thể cắm chiếc đèn Led vào ba lô để có ánh sáng .
Chiếc đèn đặc biệt này có thể cung cấp ánh sáng trong 3 giờ, đủ thời gian cho Marie-France làm bài tập về nhà.
Thế rồi, mặc kệ những con côn trùng vây quanh thứ ánh sáng hiếm hoi ấy giữa đêm tối ấy, Marie-France chỉ vào những bức tranh trên sách giáo khoa và nhận biết chúng: “Màu cam, máy bay….”
Marie-France đang sống tại ngôi làng Allepilla, cách thủ đô kinh tế-tài chính Abidjan của quốc gia Tây Phi 100km về phía bắc. Cuộc sống của cộng đồng dân cư nơi đây sống dựa cả vào việc canh tác cây coca và cây cà phê.
Cả ngôi làng chỉ có một chiếc máy bơm cung cấp nước cho khoảng 400 cư dân, trong đó có 150 trẻ em. Và cũng giống hàng nghìn ngôi làng và các thôn nhỏ khác ở Bờ Biển Ngà, ánh sáng điện là thứ mà người làng Allepilla chưa từng dám mơ về.
Thay vào đó, những chiếc đèn bão đốt bằng dầu hoặc những chiếc đèn pin là nguồn sáng duy nhất trong đêm tối.
Với mục khuyến khích các bé gái ở vùng nông thôn tiếp cận với ánh sáng tri thức, tổ chức Yiwo Zone đã kêu gọi gây quỹ để tặng cho các em nhỏ khắp châu Phi những chiếc ba lô năng lượng mặt trời Solarpak trị giá khoảng 23 USD (tương đương hơn 530.000 đồng) một chiếc.
Ba lô năng Solarpak vốn là ý tưởng của cựu nhân viên bán máy tính Evariste Akoumian. Ý tưởng này ra đời năm 2015, khi chiếc xe hơi của anh bị chết máy trong đêm ở gần Soubre, thành phố Tây Nam của Bờ Biển Ngà vào năm 2015.
“Đó cũng là thời điểm mà tôi gặp một vài em nhỏ trở về nhà từ trường”, anh Evariste Akoumian hồi tưởng. “Tôi tự nhủ, chúng ta phải đem ánh sáng đến để bọn trẻ còn tiện đi học. Nhưng việc kéo điện lưới về vùng nông thôn là điều nằm ngoài khả năng của tôi”.
“Những đứa trẻ nông thôn nghèo khổ. Chúng dùng những bao tải đựng gạo hoặc những chiếc túi nilong để đựng sách vở và đồ dùng học tập tới trường. Ý tưởng của tôi là một mũi tên trúng 2 đích: tặng cho bọn trẻ một chiếc ba lô đi học có tích trữ ánh sáng ở trong đó”, anh Evariste Akoumian nói tiếp.
Doanh nhân này nhấn mạnh rằng, những chiếc ba lô năng lượng mặt trời thuộc về các em nhỏ: “Cha mẹ của các em không thể tới và giành nguồn sáng từ lũ trẻ để sử dụng chúng cho việc nấu nướng hay làm việc nhà được”.
Ý tưởng này ngay lập tức được hưởng ứng. Cho tới nay công ty của Akoumian đã bán được 55.000 chiếc balo năng lượng mặt trời ở Gabon, Madagascar và Burkina Faso cũng như cho các tổ chức từ thiện ở Pháp và Đức.
Thắp sáng hy vọng
530.000 đồng cho một chiếc ba lô tạo ra ánh sáng là một khoản tiền không quá lớn đối với nhiều người, nhưng ở ngôi làng Allepilla, đó là cả một gia tài.
“Trên thị trường, giá của chiếc ba lô Solarpak được đánh giá là rẻ, nhưng đối với người làng, đây là khoản tiền lớn mà họ chẳng có nổi”, cô Anna Corinne Menet Ezinlin, đại diện của tổ chức Ywo Zone cho biết. “Ở ngôi làng này, người ta còn chẳng thể đóng học phí cho con, hoặc không có đủ tiền để mua thậm chí là một quyển vở. Học phí ở đây là miễn phí hoặc cha mẹ các em sẽ thanh toán học phí bằng những hình thức thanh toán khác”.
Năm ngoái, chị gái Lucienne 13 tuổi của Marie-France đã phải nghỉ học bởi vì mẹ của em nghỉ làm do ốm đau triền miên.
“Bọn trẻ rất tội nghiệp”, ông Jean-Baptiste Kotchi Okoma, trưởng làng Allepilla, người có con gái 7 tuổi được tặng ba lô, nói, “Ở đây, ai cũng nghèo cả. Tôi hy vọng, bọn trẻ sẽ được điểm cao hơn. Với những chiếc balo này, mong rằng, chúng sẽ học giỏi để thay đổi số phận”.
Hy vọng được thắp trở lại. Năm nay, mẹ của chị em Marie-France đã khỏe hơn và tìm được một công việc. Chị gái Lucienne của Marie-France nhờ đó cũng được trở lại trường học. Em cũng được tặng một chiếc ba lô năng lượng mặt trời.
Rụt rè miết tay vào một cuốn sách, Lucienne không giấu được niềm vui: “Cháu hạnh phúc lắm. Trước đây chỉ toàn là những khó khăn thôi. Bây giờ mọi thứ thật tuyệt vời, nhờ có ánh sáng từ chiếc ba lô này”.